Từ năm 110 TCN, nước ta nội thuộc nhà Đông Hán. Đến năm 39, thái thú Giao Chỉ là Tô Định thực thi một chế độ cai trị vô cùng tàn bạo, vơ vét của dân đến kiệt quệ khiến nhân dân ta ai ai cũng đều căm giận.
Lúc bấy giờ ở đất Mê Linh, quận Phong Châu (tỉnh Sơn Tây sau này) có bà Man Thiện (tức Trần Thị Đoan) dòng dõi Hùng Vương, chồng là quan lạc tướng. Hai ông bà sinh hạ (song sinh) được hai người con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Năm 20 tuổi, Trưng Trắc kết duyên cùng Thi Sách (là con của một vị lạc tướng, có tài liệu nói Thi Sách họ Đặng), lúc ấy làm quan lệnh doãn huyện Châu Diên (vùng Đan Phượng, Hà Đông xưa và Từ Liêm, Hà Nội). Vốn là một trang anh tuấn, một hôm Thi Sách cùng Trưng Trắc đi săn và quyết hạ một con hổ lớn. Với tài thiện xạ, Trưng Trắc bắn một mũi tên hiểm trúng mắt hổ làm nó phải khựng lại khi đang đà lao vào Thi Sách, nhưng Thi Sách đang phấn khích đã không nhận biết sự việc ấy. Chàng dũng mãnh xông tới dùng lao đâm chết hổ. Thế rồi khi hai vợ chồng xáp vào bên con hổ đang giãy giụa, Trưng Trắc đã nhanh tay lén rút mũi tên của mình giấu đi để… nhường công giết hổ cho chồng!
Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó, người vợ ấy đã phải hứng chịu thảm hoạ khốc hại “nước mất nhà tan”.
Thi Sách, con người nhìn thấu tỏ thực trạng bi đát của dân tộc và nặng lòng yêu nước xót dân, đã ngày đêm nung nấu ý chí quật khởi đánh đuổi bọn thống trị Đông Hán để khôi phục giang sơn của Hùng Vương thuở trước. Cùng với mẹ vợ là bà Man Thiện, ông đã bắt đầu trù tính công cuộc xướng nghĩa trên vùng đất Mê Linh. Vào năm 39, ông đưa thư cảnh cáo tên thái thú Tô Định với những lời lẽ như sau:
“Phương Nam tuy nhỏ mọn nhưng ức vạn sinh linh cũng là con đỏ của triều đình. Kẻ đi tuyên dương đức hoá cốt phải lấy việc yên dân làm gốc. Ông nay làm việc chính trị mà lại bắt tội người nói thẳng cùng người bày mưu hay, yêu kẻ xu nịnh bợ đỡ, để cho đứa hầu gái nhúng vào chính sự, cho đứa nịnh thần được chuyên quyền. Lúc nào cũng bô bô nói chuyện thương dân, thế mà lòng bóc lột kẻ dưới ngày càng bạo. Rán mỡ dân để thoả lòng dục, cậy mình mạnh thế như gươm Thái A sắc bén, nào biết cơ mình nguy ngập như giọt sương sớm dễ tan! Nếu không sửa đổi chính sách cho rộng rãi thì thế nguy vong đến nơi rồi vậy.”
Tô Định đã nổi giận trước những lời khuyến cáo bộc trực ấy. Đồng thời tên thái thú cáo già cũng đánh hơi thấy một nguy cơ đáng sợ đang rình rập y. Nếu không sớm trừ khử kẻ hào kiệt nguy hiểm này thì rất có thể chỉ một sớm một chiều, dân Giao Chỉ sẽ nhập lại thành một khối xung quanh những vị chủ soái Man Thiện, Thi Sách, Trưng Trắc. Và rất có thể Giao Chỉ sẽ lại trở thành một Văn Lang, Âu Lạc mới, hùng cứ một phương như trước kia. Rốt cuộc, vào năm 40, Tô Định đã xuống tay sát hại con người đầy nghĩa khí Thi Sách. Y đã không lường nổi một điều: giết Thi Sách nghĩa là y đã đổ dầu vào lửa để tự đốt mình!
Mối thù nhà nợ nước ngất trời đã khiến Trưng Trắc, đệ nhất cân quắc anh hùng của đất Mê Linh, không còn kiềm chế được nữa. Bà đã lập tức cùng em gái là Trưng Nhị, với sự giúp rập của mẹ là bà Man Thiện, của hai vợ chồng bà gia sư Tạ Thị Cẩn… đứng lên phất cờ dấy nghĩa. Ngày 6 tháng 2 năm Canh Tí (40), lễ tế cờ khởi nghĩa được tổ chức long trọng tại bãi Tràng Sa bên cửa sông Hát (huyện Phúc Thọ, Hà Tây). Trưng Trắc đầy phấn khích, dõng dạc đọc lời thề:
Một xin rửa sạch giặc thù,
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin toàn vẹn sở công lênh này.
Sau những hồi trống đồng rung chuyển núi sông, hàng mấy nghìn người dân Mê Linh sôi sục căm hờn đã đứng chật đất, vây quanh người đàn bà goá chồng và em gái bà, giờ đây đã trở thành những vị nữ tướng suý. Trưng Trắc dõng dạc truyền lệnh:
– Hỡi tất thảy dân Mê Linh! Hỡi tất thảy dân Giao Chỉ! Tội ác của giặc Tô với dân ta và với vợ chồng ta, trời không thể tha, đất không thể dung! Tất cả các người hãy theo ta đi phá nát toà đô uý, sau đó kéo xuống Liên Lâu phá tan quận trị Giao Chỉ! Ta thề quyết giết Tô Định lấy đầu y về tế chồng ta!
Đáp lại lời vị nữ chủ tướng là tiếng hô rầm trời của đoàn nghĩa dân Mê Linh. Trước lúc xuất quân, một vị mưu sĩ đã khuyên nữ chủ tướng nên mặc tang phục để cổ vũ mối thù trong lòng bà khi giao tranh với quân giặc, nhưng Trưng Trắc đã trả lời ông ta:
– Không! Ta sẽ mặc giáp phục thật oai dũng để dân ta trông thấy thì phấn khích, mà giặc trông thấy thì phải kinh hoàng! Mặc đồ tang lúc này sẽ làm ta thêm tiều tuỵ và sẽ làm nhụt nhuệ khí của mọi người!
Thế rồi Trưng Trắc cùng Trưng Nhị mặc giáp phục võ tướng chói sáng rực rỡ, ngồi trên mình voi, dẫn đầu đoàn quân nghĩa dũng rùng rùng kéo đi, rung trời chuyển đất.
“Sức dân như nước lật thuyền”, quân Hai Bà Trưng đi đến đâu, giặc Hán tan tành đến đấy. Từng giờ từng giờ, những dòng nghĩa dân ầm ầm từ các vùng lân cận đổ về, hoà nhập với quân Hai Bà, như sông Đà, sông Lô nhập vào với sông Cái, cuồn cuộn băng ra biển cả!
Chỉ trong vài ngày mà nghĩa binh của Hai Bà đã đông tới hàng vạn, ào ào kéo thẳng tới Liên Lâu (tức Luy Lâu, thuộc Kinh Bắc, quận trị Giao Chỉ), phá tan tành thành luỹ của Thái thú Tô Định. Hai Bà quyết bắt sống Tô Định, kẻ tử thù, nhưng con cáo già tinh khôn đã cao chạy xa bay trốn biệt về Tàu. Y đã bị vua Hán bắt bỏ ngục.
Từng ngày từng ngày, cuộc khởi nghĩa của dân Giao Chỉ anh hùng sục sôi như nước vỡ bờ. Bà Man Thiện (thân mẫu của Trưng Trắc, Trưng Nhị) và thầy dạy của hai bà là hai vợ chồng Đỗ Năng Tế, Tạ Thị Cẩn, những con người khoẻ mạnh và có tài thao lược, đã là những tướng lĩnh trung kiên, đem tất cả sinh mệnh sát cánh cùng hai nữ anh hùng trong cuộc chiến đấu oanh liệt. Chẳng mấy chốc, hào kiệt khắp nơi nô nức kéo binh về tụ nghĩa: nàng Thánh Thiện ở Ngọc Lâm (Lạng Giang, Bắc Giang), hai chị em nàng Nguyệt Thai và Nguyệt Độ ở Mi Thử (Hải Dương), nàng Thiều Hoa ở động Lăng Xương (Phú Thọ), nàng Lê Chân ở An Biên trang (Hải Phòng), Côn nương, Bát Nàn, Liên nương (Cao Bà Văn Tổ), nàng Tía ở Vĩnh Ninh (Thanh Trì, Hà Nội), rồi Ả Tắc, Ả Lan, Ả Dị, Nguyệt Đệ, Quốc Nương, Diệu Tiên, Nguyễn Nguyên Chân, Lê Thọ Lan… Thật là một cuộc tụ nghĩa vĩ đại chưa từng có của các nữ anh hùng dòng giống Lạc Hồng!
Rồi tướng Nguyễn Tam Chinh, chủ lò vật ở Mai Động (Thanh Trì, Hà Nội), tướng Lã Văn Ất thuộc bộ lạc Trâu ở Câu Lâu (Hải Hưng) cũng kéo quân về tụ nghĩa dưới cờ của Hai Bà.
Không chỉ dân Giao Chỉ nhất tề nổi dậy mà ở cả các quận Cửu Chân, Nhật Nam (Thanh Nghệ trở vào) dân Việt cũng ầm ầm nổi dậy theo, dưới sự chỉ huy của các tướng Đô Dương, Chu Bá… Thậm chí dân Việt ở Hợp Phố (Quảng Đông) cũng vùng lên quật đổ và quét sạch các thành luỹ cai trị của Hán triều!
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã diễn ra mau lẹ và mãnh liệt như sấm vang chớp giật, không gì cản nổi. Chỉ sau một thời gian ngắn, cả 65 thành (theo sử cũ) của bộ Giao Chỉ nằm dưới ách thống trị của nhà Hán đã được thu phục, trả lại hoàn toàn cho dân Việt.
Sau khi đánh đuổi được kẻ thù không đội trời chung Tô Định và quét sạch quân Đông Hán ra khỏi bờ cõi, giành lại được nền độc lập cho tổ quốc, Hai Bà Trưng bèn lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Trưng Vương, đặt tên nước là Triệu, đóng đô ở Mê Linh, tôn phong mẹ tước hiệu Man Hoàng Thái Hậu. Sự nghiệp đế vương của hai bà kéo dài từ năm 40 đến năm 42. Từ thượng cổ đến lúc bấy giờ, chưa có một sự kiện lịch sử nào hào hùng và nức lòng người đến thế! Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta, khi nói đến sự anh hùng của người Việt, nhất là của người phụ nữ đất Việt, người ta phải nhắc đến Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa oanh liệt của hai bà trước nhất!
Nguồn: trangvhntnguoncoi.wordpress.com