Cuối Đông buốt giá! Gió lạnh thổi từng cơn phũ phàng. Vòm nhãn oằn mình trước mỗi cơn gió xông xáo tràn qua.
Tháng Chạp ở miền Bắc đã lạnh lại có thêm sương muối. Cái thứ sương lạnh lẽo và khốc hại cho loài vật, cây cỏ và con người.
Nó ngồi phụ mẹ bên khung thêu. Trời càng về khuya càng lạnh. Nhưng hai mẹ con phải cố làm cho xong bức tranh thêu để kịp ngày mai trả hàng.
Bàn tay mẹ thoăn thoắt. Bức tranh chỉ còn mấy họa tiết thêu sa hạt đôi cánh bướm bên những bông hồng tuyệt đẹp. Mẹ là một tay thêu khéo và tài hoa có tiếng ở đây nên có nhiều người đặt hàng.
Một lát cái mặt bàn phím chiếc điện thoại chợt lóe sáng. Là tin nhắn của Minh Long. Nó chợt nhoẻn cười khi nhớ tới nét mặt người yêu với cử chỉ âu yếm vỗ vỗ vào bờ vai bé nhỏ của nó mà nói nó khờ quá, khi nghe nó nói “thương anh thật nhiều”. Anh bảo hãy để anh thương nó nhiều hơn… Bất chợt, có tiếng động ở phía sau. Thằng Quý em nó trở dậy lần lần đi mén sang bên chị:
– Vào ngủ tiếp đi em!
Nó vừa nói vừa đẩy nhẹ thằng Quý về phía giường. Nhưng Quý đã lần lấy được cây đàn treo trên cây cột phía đầu giường. Quý chơi đàn bầu rất giỏi. Những giai điệu lúc du dương, lúc trầm lắng như gợi cả một miền ký ức xa xăm.
Ngày em lên bốn tuổi, cũng chỉ vì bận bịu công việc mà mẹ đã phải ân hận suốt đời vì để cho Quý bị biến chứng bệnh sởi mà mù lòa đôi mắt. Mẹ đã khóc ròng trong nỗi xót xa, ân hận mãi không thôi. Tiếng đàn bỗng thê lương ai oán như có nước mắt.
Ngày ba nó bỏ ba mẹ con theo người đàn bà khác, rặng trâm bầu khắc khoải buông những chùm quả thơm, tím ngắt bên tán lá xanh rời rợi. Con bé Phương ngày ấy lên sáu cứ lẽo đẽo chạy theo một chặng đường dài bên những rặng trâm bầu xào xạc.
Ba nó không ngoái lại. Nó khóc một hồi dài rồi lang thang bên bờ kênh. Đôi chân nó mỏi rời rã nhưng có lẽ cũng không mỏi bằng con mắt trông ba. Từ mùa Thu ấy, ba nó không trở về. Nghe nói ông trở về Bắc làm việc ở một viện nghiên cứu cây trồng.
Bàn tay mẹ vẫn cần mẫn bên cây kim với một sợi chỉ, quấn nhiều vòng trước đầu mũi kim rồi đâm thẳng đứng xuống nền vải, nút chỉ thật gọn tròn và đều. Họa tiết đôi cánh bướm hoàn thành cũng là lúc trời hé sáng.
Nguyễn Thị Tâm (Nguyên giáo viên Trường THCS Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên)