Học Trần Thủ Độ tề gia trị quốc

Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi. Quê ở làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng, nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Trần Thủ Độ cùng với những người con ưu tú khác của họ Trần sớm tham gia lập các đội hương binh đi đánh dẹp các thế lực cát cứ khác lúc đầu nhằm khôi phục cơ nghiệp cho nhà Lý. Năm 1224, ông được nhà Lý phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, quản lý các đạo quân bảo vệ kinh thành. Sử chép : “Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn”.
Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh và cá tính khác thường, một nhân vật lịch sử vô cùng đặc biệt. Ông xử lý mọi việc thẳng thắn và quyết đoán theo ý chí của mình, ít chịu để cho tình cảm sai khiến cũng không quan tâm lời khen chê. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thủ Độ gắn liền với nghiệp đế của họ Trần. Công nghiệp cả đời ông chính là đã đưa nước nhà qua khỏi cuộc suy vong cuối triều Lý và khởi dựng nên thời đại Đông A rực rỡ những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm và những thành tựu xây dựng đất nước.. Gắn với cuộc đời ông cũng có nhiều lời khen chê khác nhau. Tuy nhiên gác qua các lời khen chê ấy, xưa có câu: “ Thiên hạ thịnh danh vô hư sĩ” nghĩa là người nổi danh thiên hạ tất không phải là kẻ tầm thường. Giai thoại lịch sử Việt Nam còn ghi lại một số câu chuyện thú vị liên quan đến ông, cũng đem lại nhiều giá trị khiến cho chúng ta suy nghĩ trong thời đại ngày nay.

Tiếp thu ý kiến trái chiều-Khen thưởng cho người hạch tội mình

Sử chép rằng:

“Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài trí hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả, vì thế, ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua.

Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng : “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”,

Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng : “Quả có đúng như những lời hắn nói thật”. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho.”

Lời bàn:

Muốn “ tề gia trị quốc” ắt phải tu thân. Việc khó nhất của tu tâm chính là hướng nội nhìn vào bản thân mình khi xảy ra bất kể việc gì. Thân là Vương gia, thái sư đương triều, quyền nghiêng cả xã tắc, thói thường người ta hay bị quyền lực làm mê muội mà đi vào hủy diệt. Nhưng Thủ Độ lại không thế, ông vẫn có thể khoan dung mà nhận ra chỗ không phải của mình từ người hạch tội. Điều đó chứng tỏ một trí tuệ và nhân cách lớn xứng với địa vị của ông. Triều Trần không nhờ ông làm cột trụ thì cũng không ai có thể xứng đáng hơn.

Nguồn: epochtimesviet.com