Có thể có nhiều người ở xóm Nam Cường (Nam Trực, Nam Định) quê hương ông – ít biết về ông như những người vùng than – nhất là công nhân mỏ: rất nhiều người biết rõ về ông dù trong đời họ chưa một lần giáp mặt hoặc giáp mặt mà họ không hay biết.
Nhà văn Võ Huy Tâm gắn bó mật thiết với gia đình tôi như người trong nhà từ năm đầu toàn quốc kháng chiến. Ông được cấp trên cử về hoạt động bí mật ở Cẩm Phả, trực tiếp “ba cùng” với người dân xóm Đạo, Cẩm Bình.
Cuộc sống người dân lúc ấy nghèo túng, lạc hậu, xo xúi và bệnh tật. Ông ở đó, ngày làm công trên tầng, tối về giác ngộ tuyên truyền, khơi dậy tinh thần cách mạng cho bà con cần lao.
Ông chỉ sống, chia sẻ, nhường nhịn với họ trong vòng ba năm. Ba năm cay cực, máu lửa, sống chết. Giặc đã tìm đủ mọi cách phá hoại phong trào. Cơ sở bị vỡ từng mảng. Kẻ đầu hàng làm tay sai cho thực dân đế quốc, lùng bắt người từng cưu mang, nuôi nấng mình. Kẻ thối chí, im lặng, lảng tránh.
Bằng niềm tin trong sáng, ông gắng gỏi, móc nối, xây dựng lại phong trào. Cuối năm 1949, bị lộ, ông được điều lên chiến khu Việt Bắc khi phong trào cách mạng ở vùng Mỏ đã sâu rộng.
Tám năm sau, ông mới trở lại Cẩm Phả, trực tiếp vào lò, khao than, vận tải than bằng tay với công cụ lao động thô sơ tại lò Lộ Trí. Mãi sau này, khi ông đã về Hà Nội công tác mấy năm, ngày 1.8.1960, lò Lộ Trí mới được quyết định trở thành mỏ than Thống Nhất.
Trước khi thành nhà văn, Võ Huy Tâm là công nhân khai thác than lộ thiên, than hầm mỏ của mỏ than Cẩm Phả. Mỗi khi từ Hà Nội về, ông thường xuống chơi, nói chuyện với bà tôi.
Bà tôi đeo giành hái chè. Ông complê, cavát vừa hái giúp vừa kể chuyện. Lúc bà tôi phun nước, trộn đảo chè, ông ngồi ngay bậc cửa chuyện trò hàng tiếng đồng hồ. Chúng tôi còn nhỏ, “kính nhi viễn chi” với ông, chỉ nghe loáng thoáng ông là nhà văn, nhà báo gì đó. Bà tôi gọi ông là chú, coi như con. Bố mẹ tôi gọi ông là chú, coi như em. Chúng tôi cũng gọi ông là chú, coi như cha.
Phải tới năm 1963-1964, tôi mới biết ông là nhà văn Võ Huy Tâm khi ông tặng tôi cuốn “Vùng mỏ”, lâu rồi tôi không nhớ in lần thứ tư hay thứ bảy, trong bìa có chữ V màu đỏ khá to. Trước đây và mãi mãi sau này chúng tôi thường gọi ông bằng cái tên thân mật: chú Kiệm.
Trong con mắt chúng tôi ngày ấy, chú Kiệm lịch lãm và sang trọng. Bà tôi hay khuyên chú quan tâm đến gia đình để vợ con đỡ khổ. Nhiều lúc bà hay la mắng riêng theo cách của bà.
Bác Cúc tôi, người đã yêu ông, toan tính gắn bó cuộc đời với ông, chỉ do ông thoát li mà việc không thành, mỗi lần nhắc đến lại trách: “Ôi dào, cái ông Võ Huy Tâm ấy chỉ chăm chú việc báo chí văn vẻ, để mặc vợ con”. Và bà vẫn cho là “may” không lấy phải ông.
Vợ ông – thím Hà Thị Tuyến – lấy chồng thì thờ chồng và nuôi con theo đúng nghĩa đen. Bà hiền lành tử tế đến mức cam chịu, nín nhịn, cố gắng để chồng được thỏa thích bay nhảy cùng chúng bạn.
Bà quê ở Quảng Bình, theo cha lên chiến khu, đã có cảm tình với họa sĩ Tạ Thúc Bình rồi thế nào lại phải lòng, lấy Võ Huy Tâm, rồi theo về Cẩm Phả làm công nhân lao động phổ thông trong xí nghiệp xây dựng kiến thiết cơ bản.
Bà là người chịu thương chịu khó. Nhà có một đàn ngan, chờ tết bán, mua quần áo mới cho con. Ông đưa bạn bè về ở một vài ngày rồi hà hà kéo nhau đi. Nhà xác xơ như gặp bão. Chuyện tương tự xảy ra quá nhiều lần ở nhà ông.
Năm nay bà đã gần tám mươi. Từ khi lấy ông, bà chưa một lần gay gắt với chồng. Mặc dù theo tôi, ông là người bộc tuệch, vụng về trong công việc bếp núc, nuôi dưỡng, chăm sóc, hướng nghiệp cho con cái. Có thể nói không ngoa, bà là người đóng góp công sức rất lớn vào thành công của ông.
Năm 1976, tạp chí Người vùng mỏ, số 18 đăng truyện ngắn “Những hòn than hạt dẻ” của Võ Huy Tâm. Khi tôi và nhà thơ Trần Ngọc Tảo mang cuốn tạp chí đến nhà ông, ông thận trọng giở từng trang rồi ông đưa lại, bảo chúng tôi đọc truyện của ông mà nghe.
Trần Ngọc Tảo bị cận, nói quên mang kính, thế là tôi phải đọc. Tôi đọc liến thoắng cho xong nhưng ông bắt dừng, đọc lại chỗ tôi bỏ sót, chỗ bản in sai. Ông cười khà khà, chỉ dẫn từng từ khó, ít dùng, từng chi tiết thích. Ông cứ phấn khởi hồn nhiên đến mức chúng tôi tự hỏi vì sao ông còn giữ được niềm sung sướng ấy khi tiểu thuyết, truyện ngắn của ông in đã xếp được chồng cao.
Vậy mà tờ mờ sáng hôm sau, ông đã xuống nhà tôi thông báo truyện của ông bị in sai tới bảy lỗi. Lúc ấy, tôi mới rõ trách nhiệm của ông với bạn đọc. Ông luôn sợ họ đọc sai, hiểu sai những gì mình viết.-PageBreak-
Năm 1995, ông có giấy mời của công đoàn Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh dự kỷ niệm 50 năm ngày Quốc khánh. Không hiểu sao giấy mời ấy người ta đem vào nhà tôi. Tôi cầm lên đưa ông.
Vẫn điệu cười khà khà, ông kể ông đã phụ trách công tác công đoàn Giao thông vận tải (sau này là thư ký, là chủ tịch công đoàn) từ năm 1951. Cũng đã lâu rồi, chắc có ai đó nhắc lại nên lần này mới có giấy mời. Tôi không hiểu ở cương vị như thế sao ông lại về Lộ Trí làm công nhân không vướng bận gì? Ông bảo, thời ấy người ta sống khác, hơn nữa người viết mà vướng vào chức tước thì mệt lắm.
Cách đây ba chục năm, vợ con ông phải tìm đồi hoang phạt gốc, phát cỏ lấy đất tăng gia chống đói. Thạch Anh trang – cái tên mĩ miều – do ông đặt vốn là vạt đồi rộng mà bà và các con ông đã khai phá. Đó là những năm gian khó cùng kiệt của thời bao cấp. Vất vả trăm đường nhưng nhờ đó có cái để ăn, để trang trải, san sẻ với bà con anh em túng bấn khác.
Sau ngày nghỉ hưu, ông cầm bút và cầm cuốc trong Thạch Anh trang. Hàng loạt tiểu thuyết, tập truyện ngắn: “Măng bão”, “Trăng bão”, “Chỉ bọc vàng”… của ông ra đời tại đây.
Nhớ ngày nhà cháy, ông vừa kêu vừa vơ đống bản thảo chạy ra khỏi nhà. Người ở đồi bên ùa tới, nhà ông chỉ còn đống tro. Tôi lên, ông gầy guộc nhỏ thó, co ro trong tấm áo mỏng, nhìn không nói gì. Đám trẻ được ông dạy chữ … đứng xung quanh. Đứa nào đứa nấy buồn buồn, không còn nghịch ngợm, xô đẩy nhau như mọi ngày.
Vậy mà chỉ tuần sau ông đã khà khà cười, kể việc viết, sửa, phục hồi đống bản thảo bị cháy. Ông ăn mặc xuềnh xoàng, áo quần bảo hộ, đi ủng. Tôi giới thiệu ông với đám bạn thợ. Có người còn hỏi đi hỏi lại xem đây có phải chính là người viết tác phẩm “Vùng mỏ” khi xóm thợ ngày ấy còn thiếu thốn, mông muội, cù lần trong xứ “u tì quốc”?
Có thể có nhiều người ở xóm Nam Cường (Nam Trực, Nam Định) quê hương ông – ít biết về ông như những người vùng than – nhất là công nhân mỏ: rất nhiều người biết rõ về ông dù trong đời họ chưa một lần giáp mặt hoặc giáp mặt mà họ không hay biết.
Nhiều lần, tôi đưa ông vào mỏ, leo tầng gọi là “đi thực tế” mong bù đắp phần thiếu hụt vốn sống ấy. Lãnh đạo thấy ông, người ta kính trọng. Công nhân thấy ông, người ta tôn trọng. Ông là con của lớp công nhân mỏ khổ đau, lử lả, tăm tối, gian lao. Ông không là con của lớp công nhân mỏ hiện tại dù còn muôn vàn khó khăn đã đứng lên làm chủ cuộc đời mình. Họ kính trọng, tôn trọng ông nhưng ông không còn hòa nhập với họ nữa. Vì thế, những tác phẩm ông viết về họ như: “Vỉa than lớn”, “Đi lên đi”… chỉ đủ tồn tại chứ không làm vẻ vang cho văn nghiệp ông.
Tôi kính trọng và khâm phục ông về khả năng tự mầy mò học hỏi và không đòi hỏi nhiều quyền lợi cho riêng mình. Ông nói ông chính là người đặt tên cho Vịnh Bái Tử Long vào cuối năm 1948-1949 (chi tiết này tôi đã nhắc đến trong tiểu thuyết “Người kế nghiệp” của mình).
Tôi đọc những bài ca dao thợ mỏ cũ cho ông nghe. Ông bảo đó là thơ ông viết ngày đầu về Vùng mỏ phục vụ cách mạng. Từ một công nhân học vấn thấp, ông đã vươn lên trở thành người có vốn từ vựng phong phú sâu rộng mà lớp chúng tôi theo được còn phải mướt mát mồ hôi…
TRẦN TÂM