Thời gian qua, Nguyễn Đăng Độ được biết đến là tác giả của nhiều tác phẩm mang dấu ấn hiện thực và trữ tình. Qua ba thi tập đã xuất bản Tình quê (NXB Phụ nữ Việt Nam 2022), Hương xa (NXB Hội Nhà văn 2022), Những vần thơ yêu thương (NXB Hội Nhà văn 2023) anh đã hình thành cho mình một phong cách riêng. Thơ anh thể hiện một nội tâm sâu sắc, tinh tế và cũng đưa đến nhiều thú vị cho giới chuyên môn và bạn đọc.
Khuynh hướng nghệ thuật
Chủ nghĩa hiện thực mới là một khuynh hướng văn học được bắt đầu vào giữa thế kỷ XX, gắn với trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn nhất châu Âu. Trong ngọn nguồn của khuynh hướng này, các văn nghệ sĩ lưu ý đến chủ nghĩa chân thật đồng thời cũng có ảnh hưởng nhất định của nền văn học Xô viết lừng lẫy. Chủ nghĩa hiện thực mới phản ứng lại những nền văn học xa rời nhân dân, đầy chất từ chương, ham tìm tòi hình thức. Phong cách của chủ nghĩa hiện thực mới là hướng đến sự giản dị, cô đọng, trầm tĩnh và gần gũi với tâm thức, tình cảm của con người. Trung tâm tác phẩm hướng đến số phận con người và biểu đạt đời sống một cách tự nhiên nhất.
![Thơ Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nguồn của thơ ca 1 Thơ Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nguồn của thơ ca](https://vannghedoisong.vn/wp-content/uploads/2024/01/4-3.webp)
Trong quá trình đọc và nghiên cứu về Nguyễn Đăng Độ, tiêu biểu là tập thơ Những vần thơ yêu thương, ở góc độ học thuật, tôi đánh giá toàn bộ tác phẩm của anh đều mang dáng dấp của khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực mới trong văn học nghệ thuật.
Tôi muốn bàn đến tính nhân bản trong thơ Nguyễn Đăng Độ như là yếu tố cốt lõi nhất của Những vần thơ yêu thương. Nhân bản chính là phần chân thực nhất của con người. Thơ anh không chỉ hướng thiện, hướng thượng mà còn hướng đến chiều sâu tâm hồn con người để thấu hiểu và xoa dịu. Lẽ dĩ nhiên, nhà thơ phải là người có cảm xúc và thơ ca chính là bắt nguồn từ cảm xúc ấy. Vậy cảm xúc ấy được khơi gợi từ đâu, nếu không phải là từ những người thân yêu; là gia đình, làng mạc, quê hương; là bối cảnh văn hoá, lịch sử, xã hội, thiên nhiên…
Đậm đặc trong thơ Nguyễn Đăng Độ là tình cảm sâu nặng với mẹ cha. Những câu thơ lục bát có nguồn gốc từ ca dao, trải qua bao thế hệ, lục bát đã có được một vẻ đẹp lấp lánh, đầy biến hóa. Những câu lục bát của Nguyễn Đăng Độ đã có sự tiếp biến nhất định từ truyền thống và làm nên một bản sắc riêng bằng sự tinh tế, độc đáo.
Chiều rồi hoa chẳng còn tươi
Thời gian nắng quắt nụ cười tàn phai
Lời ru cơn gió thở dài
Giờ đây mẹ phải nương vai nằm ngồi
Ngoài kia mưa gió trắng trời
Lá vàng chấp chới sắp rơi xuống rồi
Thiên nhiên luôn giữ vai trò quan trọng trong văn học nghệ thuật. Thậm chí, có rất nhiều tác phẩm mà người viết đã “nhờ” đến thiên nhiên để giãi tỏ lòng mình. Ở những câu thơ trên, thi sĩ Nguyễn Đăng Độ đã triệt để dùng hình tượng thiên nhiên trong từng câu thơ để từ đó bạn đọc liên tưởng đến điều mà anh muốn nói.
![Thơ Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nguồn của thơ ca 2 Thơ Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nguồn của thơ ca](https://vannghedoisong.vn/wp-content/uploads/2024/01/z4581548625326_1f74affa742294b4ba4fdbf7e96a39dd-1.webp)
Hãy chú ý đến hệ thống những hình ảnh thiên nhiên và trạng thái sự vật như “hoa chẳng còn tươi”, “nắng quắt”, “gió thở dài”, “mưa gió trắng trời”, “lá vàng chấp chới”. Hoa, nắng, gió, lá… vốn là những hình ảnh biểu tượng cho sức sống của thiên nhiên, nhưng ở đây, bên cạnh những hình ảnh ấy là sự héo tàn, rơi rụng. Và xa xót thay, khi đó chính là những câu thơ Nguyễn Đăng Độ đang viết về người mẹ của mình. Con người dẫu vĩ đại đến đâu cũng không thể chống lại thời gian. Nhà thơ tránh nói trực tiếp đến sự già nua đau yếu của mẹ. Tính ước lệ tượng trưng của thiên nhiên trong thơ đã giúp anh biểu đạt tình cảm ấy một cách trọn vẹn.
Sự nhân bản trong thơ Nguyễn Đăng Độ không chỉ là khái niệm thông thường. Đó còn là cách mà anh đi tìm giá trị của chân – thiện – mỹ trong thơ.
Bao năm cha mẹ hao gầy
Để cho hoa nở dâng đầy sắc hương
Bể dâu muôn dặm đường trường
Núi cao vực thẳm muôn phương mưa dầm
Con xin dâng đóa hoa tâm
Quyện trong dòng máu nảy mầm trổ hoa
Yêu thương vốn là cốt lõi của nhân bản, nhưng cách thể hiện sự yêu thương ấy còn nói được nhiều hơn bản chất của vấn đề mà chúng ta đang đề cập đến. Cha mẹ cứ hao gầy theo năm tháng để đời con được đầy đặn sắc hương. Và cái cách để người con đối đãi lại với mẹ cha cũng ân tình và đẹp đẽ làm sao, đó là dâng lên cha mẹ đóa hoa của tâm đức, nuôi dưỡng trong mình dòng máu của hiếu nhân. Tâm đức, hiếu nhân ấy chính là bông hoa ý nghĩa nhất mà những bậc sinh thành mong mỏi được nhìn thấy ở đứa con của mình.
Thơ Nguyễn Đăng Độ không dừng lại ở việc đưa ra vấn đề mà anh đã đi đến tận cùng của vấn đề để thấu tỏ. Hành trình đi tìm sự nhân bản tưởng như có sẵn trong mỗi người nhưng thực ra để thấu suốt được điều đó trong thơ lại là một hành trình khác.
Khi đã là một người từng trải nắng mưa cuộc đời, nhìn lại quê hương, nhìn lại cuộc đời cha mẹ, nhà thơ ngậm ngùi với những câu lục bát trĩu nặng thân phận:
Thương quê thương cụm tre già
Bão giông đổ xuống bóng cha hao gầy
Trời mang cơn gió heo may
Đêm không thổi rỗng vai gầy mẹ tôi
Đất nghèo mưa nắng nổi trôi
Tình người xứ Nghệ đầy vơi nỗi đời
Một hiện thực nhiều khắc nghiệt nhưng những câu thơ lại không thôi ngân nga, vang vọng. Ở phần hiện thực, ta thấy những nắng mưa giông gió đổ xuống quê hương, trút xuống gầy guộc cuộc đời cha mẹ. Nhưng ở phần thơ ca nghệ thuật, ta lại thấy một vẻ đẹp ngời lên. Làm sao để hai yếu tố này hài hòa, đan quyện, nâng đỡ, tôn vinh nhau. Khắc nghiệt cũng đến tận cùng và nghệ thuật cũng đến tận cùng. Ấy là bởi con người nương tựa vào quê hương, dẫu khắc nghiệt đến đâu thì mảnh đất quê vẫn là nơi cho phận người neo bám. Ở chiều ngược lại, nếu không có con người đi về mưa nắng thì làm sao hai tiếng quê hương được vang lên. Vẫn lấy con người làm trung tâm, và con người đại diện ở đây chính là cha mẹ – đã trở thành hình tượng nghệ thuật.
Trong khái niệm, hình tượng nghệ thuật là cách để nhà thơ tái tạo hiện thực theo một cách riêng biệt. Bất cứ hình ảnh nào được xây dựng lại một cách sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật, đều là hình tượng nghệ thuật. Khái niệm cũng nhấn mạnh: thông thường và quan trọng nhất chính là hình tượng con người.
Thơ Nguyễn Đăng Độ, dù ở đề tài, thể loại, sắc điệu nào cũng đau đáu câu chuyện con người.
Miền Trung bão gió tơi bời
Lưng còng bạc xuống rạc rời ca dao
Xin đừng thêm nữa lao đao
Phận người cũng chỉ hanh hao bọt bèo…
Hình tượng không chỉ phản ánh mà còn khái quát hiện thực, khám phá cái cốt lõi, cái bất biến, cái vĩnh cửu… Trên nền không gian nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật đã được xây dựng để đưa đến thông điệp mà nhà thơ chủ định hướng đến. Cụ thể, mảnh đất miền Trung đã được đưa vào không gian nghệ thuật, đủ để người đọc hình dung ra một vùng đầy thương khó, gian lao. Trong không gian ấy, những phận người lam lũ, bé nhỏ đã tồn tại, đã sinh sống, đã bất tử để tạc khắc nên hình tượng nghệ thuật “con người miền Trung” kiên cường vượt khó.
Thơ Nguyễn Đăng Độ nhất quán trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật ấy. Dẫu gắn với những chênh chao, rạc rời, lao đao, hanh hao… đó là những hình ảnh gợi đến bao nhiêu bất trắc thì vẫn là đề cao sức sống bất diệt, vĩnh cửu của con người nói chung, hình tượng người miền Trung nói riêng.
Bên cạnh đó, trữ tình cũng là một yếu tố quan trọng trong Những vần thơ yêu thương. Ngay trong tên của tập thơ điều đó đã được khẳng định. Nhưng để khám phá hết chất trữ tình trong thơ Nguyễn Đăng Độ thì không thể dừng lại ở bề mặt của ngôn từ.
Hegel đã nhận định, nhân vật trung tâm của tác phẩm trữ tình chính là người tạo ra tác phẩm, trước hết đó là thế giới bên trong của chính thi sĩ. Nghĩa là qua yếu tố trữ tình ấy, bạn đọc sẽ phần nào thấy được diện mạo tâm hồn của nhà thơ.
Ảo ảnh mơ hồ nắng sớm mờ sương
Ta đang sống mỗi ngày như ban mai mới mẻ
Anh cất giữ ánh nhìn em trong đáy mắt
Để mỗi ngày phép lạ đến tròn trăng
Văn học trữ tình của các thời đại không thể thiếu đề tài tình yêu và hy vọng. Tình yêu cứu rỗi và tôn vinh con người và cũng chính tình yêu thể hiện sự nhân bản ở con người. Xét ở góc độ này, thơ Nguyễn Đăng Độ như một bản tình ca riêng.
![Thơ Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nguồn của thơ ca 3 Thơ Nguyễn Đăng Độ: Ngọn nguồn của thơ ca](https://vannghedoisong.vn/wp-content/uploads/2024/01/z4581548281737_641a1d0a95f96f059b5f24edfb48059f-1.webp)
Tình yêu trong nghệ thuật được hiểu như cuộc tìm kiếm sự hài hòa của cuộc sống thực tại và đời sống tâm hồn, nó đem đến một cái nhìn khác về sự tồn tại. Trong đôi mắt thi sĩ, Nguyễn Đăng Độ có thừa sự lãng mạn để nhìn tình yêu như một phép nhiệm màu. Nét tinh tế và trầm tĩnh của anh đủ để biến phép nhiệm màu ấy thành hy vọng chứ không bị rơi vào sự phù phiếm của hư vô như nhiều người viết non cảm xúc, thừa huyễn mộng. Nét tinh tế lãng mạn ấy chính là thước đo, là phép thử với người cầm bút.
Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không xét đến yếu tố trữ tình hiện đại trong thơ Nguyễn Đăng Độ. Trữ tình hiện đại là khi nhà thơ đã vượt qua được cái chung chung khái quát, phá bỏ rào cản của quan niệm trữ tình thông thường và có những dấu ấn cá nhân khác biệt trong cách thể hiện. Như một bức tranh dẫu còn trong ảo ảnh mờ sương thì vẫn đủ những tín hiệu để gợi mở một ban mai mới mẻ; như một ánh nhìn của kẻ đang yêu cũng thành phép lạ biến hoá những hao khuyết thành trọn vẹn như vầng trăng tròn.
Cảm hứng ấy được tiếp nối như một dòng chảy xuyên suốt:
Gửi về em hết thảy nỗi niềm riêng
Cả nắng sớm ban mai và bầu trời xanh biếc
Cả thân xác trời sinh không nuối tiếc
Gom hết mọi bài ca của biển tặng em
Không chỉ dừng lại ở cảm hứng trữ tình, lúc này thơ Nguyễn Đăng Độ biểu đạt sự cho đi, sự dâng hiến. Ở góc nhìn thông thường, tình yêu là câu chuyện của hai người. Tuy nhiên, trong vẻ đẹp của trữ tình hiện đại, ta nhìn thấy ở tình yêu đó là cái rộng lớn và hài hoà giữa ba yếu tố thiên nhiên – con người – vũ trụ, và con người vẫn là chủ thể, là trung tâm. Tình yêu của lứa đôi, của loài người đã kết nối thiên nhiên và vũ trụ, tạo nên vòng tròn sự sống. Ngược lại, thiên nhiên, vũ trụ như là cầu nối, là ngọn nguồn, là chiếc nôi hình thành và nuôi dưỡng tình yêu con người. Như một sự ngẫu nhiên, nhưng cũng như một sự dụng công nghệ thuật mà thơ Nguyễn Đăng Độ đã lý giải, luận bàn câu chuyện ấy một cách đầy cảm xúc và triết lý.
Ở một bình diện khác, chất trữ tình của thơ Nguyễn Đăng Độ lại bày tỏ những suy tư về tình yêu mang tính tượng trưng cao:
Hương thơm thế mà sao chát đắng
Giữa một chiều thầm lặng bóng thu rơi
Cái buồn bảng lảng thường trực và bao bọc không gian thơ như một tình yêu không thể giãi bày, không được thấu tỏ. Hương và vị của tình yêu ấy đã được nhà thơ ví von đúng như ly cà phê, dẫu hương thơm đến thế thì khi uống sẽ là vị chát đắng. Cũng là tình yêu, nhưng khi được sẻ chia sẽ trở nên lung linh, ảo diệu như mơ như thực:
Chiều mùa thu như tơ
Dùng dằng con sóng vỗ
Như vậy, thơ đích thực không phải là sự đánh lừa cảm xúc, vuốt ve chủ thể. Mà thơ là sự soi chiếu chân thực nhất vào tâm khảm của con người, từ đó con người trở nên tích cực, hướng thượng và vượt thoát được chính mình. Đó chính là tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực mới mà ngay từ khi bắt đầu thơ Nguyễn Đăng Độ đã mang đậm phong cách này.
“Người thơ phong vận như thơ ấy”
Câu thơ nổi tiếng ấy của Hàn Mặc Tử đúng với trường hợp thi sĩ Nguyễn Đăng Độ. Nếu nhiều nhà thơ chọn nghiêng về phần hư cấu để tạo nên một thế giới tưởng tượng của mình thì Nguyễn Đăng Độ chọn những điều chân thật nhất để viết lên. Anh từng có những chia sẻ rất cảm xúc: “Đời lính cho tôi ý chí, quê hương cho tôi tình thương, cha mẹ cho tôi hình hài. Vậy nên mỗi lần tôi cầm bút thì những cảm xúc về cha mẹ, quê hương, bạn bè, đồng đội lại ùa về và tôi đã viết về họ bằng cả tình yêu cùng sự biết ơn sâu nặng nhất”. Và đó là lý do mà thơ anh cũng chính là tâm hồn anh, là cuộc đời anh.
Tôi chú ý nhiều đến chất lính trong thơ anh, bởi được biết anh từng là một người lính. Một người lính lại làm thơ thì chắc chắn sự hào hoa phong vận sẽ thể hiện rõ nét trong từng câu thơ. Và quả thực trong cuộc kiếm tìm của mình tôi đã không thất vọng. Trong rất nhiều câu thơ đáng nhớ viết về người lính của Nguyễn Đăng Độ, tôi ấn tượng với hai câu thơ toát lên khí phách, tinh thần của người lính:
Khi đất nước còn nổi chìm thân phận
Người lính hy sinh không tiếc thân mình
Chỉ hai câu thơ cũng đủ nói lên một lịch sử đau thương và đầy thăng trầm của dân tộc. Và trong sự biến thiên chìm nổi ấy, người lính chính là trung tâm, là trụ đỡ, là điểm tựa của dân tộc của đất nước. Rất giản dị thôi, hai chữ “người lính” luôn bao hàm sự lớn lao, vĩ đại nhưng cũng gần gũi thân thương vô cùng. Lịch sử và văn học nghệ thuật cũng đã chứng minh, trong những bối cảnh ngặt nghèo nhất, chỉ cần hình ảnh người lính xuất hiện thì luôn đại diện cho niềm tin và vẻ đẹp. Thế nên, thơ Nguyễn Đăng Độ không cần ngợi ca hay tô vẽ, anh chỉ khắc hoạ hình tượng ấy một cách chân thật nhất cũng đủ để chúng ta có người lính trong thơ vô cùng ấn tượng, và cũng qua đó thấy được dấu ấn của người lính làm thơ Nguyễn Đăng Độ.
Tinh thần người lính là sự bất tử. Dù rằng chiến tranh đã lùi xa, thời đại đã có những bước đi mới, nhưng chất lãng mạn, hào hoa, khí phách của người lính thì mãi mãi là một biểu tượng. Thơ Nguyễn Đăng Độ đã chuyển tải được điều đó rõ nét bởi vì khí chất ấy luôn thường trực trong con người thi sĩ của anh:
Việt Tiến ơi! Đi suốt cuộc đời
Vẫn thấm đẫm trong tôi xóm nghèo xưa cũ
Màu áo lính bạc sờn ngày quân ngũ
Sưởi ấm lòng tôi giữa thách thức thương trường
Sự tự do của chữ đã không còn phụ thuộc vào vần luật, chỉ nhịp điệu là vẫn tha thiết du dương dẫn dụ ta bước vào thế giới thơ mà thi sĩ đã tạo dựng. Ký ức và thực tại đan xen để tạo nên bức tranh sống động, cảm xúc. Quê hương đâu chỉ là nơi để ở. Quê hương là cả một vùng của ký ức yêu thương, vùng của văn hoá, lịch sử bao đời; là nơi để người viết tìm đến tận thẳm sâu trong mỗi vỉa tầng để tìm ra hồn cốt của đất, của người. Và dẫu đã đi qua những ngày thơ ấu, đã qua năm tháng chiến chinh, đã qua thử thách thương trường thì xóm nghèo ấy vẫn là nơi nhà thơ nhớ về, vẫn lặng lẽ hiện diện trong mỗi chặng đường đời.
Ngọn nguồn của thơ đến từ đâu nếu không phải từ chính nhịp điệu yêu thương ngân lên trong lòng thi sĩ.
Tôi chắt chiu suốt năm tháng cuộc đời
Từng nét chữ câu thơ như máu
Khi nhà thơ đưa ra quan niệm về thơ của riêng mình là khi thơ đã trở nên như máu thịt cuộc đời thi sĩ. Hai câu thơ trên đã khẳng định, với Nguyễn Đăng Độ, thơ không đơn thuần là thú chơi tao nhã mà bao người vẫn kẻ cả thốt lên. Mỗi nét chữ câu thơ được chắt chiu như máu, điều đó có nghĩa những điều anh viết ra là những gì bản chất nhất, gan ruột nhất. Ở thơ Nguyễn Đăng Độ chưa bao giờ có sự diêm dúa, màu mè. Sự mộc mạc, dung dị, tối giản và gọi đúng tên của vấn đề là cách mà anh đến với thơ và làm cho thơ trở nên ý nghĩa.
Trải qua năm tháng, thơ Nguyễn Đăng Độ hướng đến sự tinh lọc. Đó phải chăng cũng là phong cách sống của cuộc đời nhà thơ. Qua thơ, ta có cảm tưởng càng lúc anh càng thận trọng, kỹ lưỡng hơn, vì thế mà thơ anh cũng càng lúc càng tiết chế hơn nhưng sức nén và độ vang lại lớn hơn rất nhiều. Thơ của anh nói được nhiều trải nghiệm trong đó bằng những ngôn ngữ đẹp và sáng rõ, đồng thời cũng mở ra được những liên tưởng không giới hạn.
Thêm một chút chờ đợi
Cho nắng vàng lao xao
Tùng bách lại vươn cao
Giữa muôn trùng đá núi
Đó là một cách nhìn, một cách sống, một cách viết vừa cổ điển vừa mới mẻ. Nhưng quan trọng hơn, đó là một thể nghiệm đáng giá. Và như quan niệm về thơ của Nguyễn Đăng Độ ở trên đã nói, thì với anh, thơ ca chính là cuộc đời anh, là hành trình đi tìm sự nhân bản, đi tìm và định vị một lý tưởng sống của riêng mình một cách ý nghĩa. Nếu bạn biết chờ đợi, có niềm tin, bạn sẽ gặp được cái đẹp của cuộc đời. Cái đẹp ấy bao hàm cả nhân cách sống, ý chí sống như tùng như bách giữa núi cao rừng thẳm vẫn hiên ngang ngời ngời cốt cách. Quả thực, “người thơ phong vận như thơ ấy” tưởng chỉ là lời của người xưa mà dành cho người nay vẫn xác đáng vô cùng.
Thông qua thơ, nhà thơ sẽ tìm thấy một lối đi cho nhân loại. Điều tưởng như không tưởng ấy lại làm nên chân lý. Bởi thơ có khả năng để diễn đạt được sự phức tạp của cảm xúc và tâm hồn nhân loại. Nhưng trước tiên, thơ chia sẻ với chúng ta câu chuyện của nhà thơ:
Số phận bao phen trầm bổng đầy vơi
Tôi tự vá lành nơi mình thương tích
Vượt qua chính số phận của mình nhà thơ sẽ chạm đến thân phận của tha nhân. Từ câu chuyện của mình, Nguyễn Đăng Độ đã đưa đến câu chuyện của thời cuộc, ở đó mỗi cá nhân sẽ phải sống, phải vượt qua như thế nào. Thơ anh đã mở ra lối đi cho những ai đồng điệu. Thơ anh cũng trở nên như một sự phổ quát của những triết lý chung nhưng cũng là những phân mảnh riêng cụ thể và gần gũi với mỗi người đọc.
TS NGUYỄN HẢI PHƯƠNG