GIAI THOẠI VỀ BÀ CHÚA THƠ NÔM

Thi sĩ Hồ Xuân Hương vốn quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, sống ở phường Khán Xuân, thành Thăng Long vào cuối thời Lê Trung Hưng, đầu thời Nguyễn. Thơ bà có khẩu khí riêng, luôn tràn đầy sức sống và khôi hài hóm hỉnh.

Thơ bà hình tượng thanh tục, xoáy sâu những điều mà lễ giáo thời bà kiêng kỵ. Nói những điều mà những “vì quân tử” thời ấy, trong lòng thì ham thích, nhưng ngoài mặt vẫn tỏ ra đạo mạo giữ giá, ví như trong bài Tranh tố nữ:
”Hồng hồng má phấn duyên gì vậy
Chúa dấu vua yêu một cái này””

Điều lạ là đi đến đâu, dù thắng cảnh ấy có đẹp và nổi tiếng đến mấy, hay những vật đơn giản, nhiều bài thơ của bà vẫn lập lờ bóng gió, giễu cợt tròng ghẹo, mà ý tứ thật sâu xa, hãy nghe bà vịnh cái giếng:

”Ngõ xa thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thảnh thơi giếng lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một dòng sông…”

Tại sao cái ”ngõ xa thăm thẳm” ấy lại không đến nhà bà mà lại nhà ông? Rồi thì ”cỏ gà lún phún” ”cá riếc le te” khiến các quân tử nghe mà phát ngán, nhưng dân gian thì lại rất thích, bởi nó quá gần gũi với đời sống của họ.

Ngay như cái quạt, một vật dụng, thế mà qua thơ bà thấy đầy “hình tượng”:
”Xoè ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”
Ngay đến đèo Ba Dội, một cảnh quan nổi tiếng, bà cũng dùng những câu thơ ghê gớm:
”Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa sơn đỏ loét tùm hum nóc
Hòn đá xanh rì lún phún rêu…”
Tuy cảnh ấy có vẻ không đẹp lắm, bởi cái “”cửa sơn đỏ loét”” nhưng bà biết tỏng rằng:
”Hiền nhân quân tử ai mà chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo”

Tuy vậy thơ bà cũng rất nhiều bài trữ tình. Để bênh vực nữ quyền, bà lớn tiếng lên án cảnh đa thê:
”Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng…”
Nhưng vì cảnh ngộ nên có lúc chính bà cũng thấy cô đơn lẻ loi và buồn cho thân phận:
”Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
Chén rượu đưa hương say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn…”

Ngày xưa con gái thường được coi là nữ nhi ngoại tộc.Thì chính bà đã ném một hòn đá xuống ao, làm cho sóng trào lên, gây giật mình cánh mày râu đạo mạo thời ấy. Về gia thế thì giáo sư Hoàng Xuân Hãn, khi nghiên cứu về đời thơ Xuân Hương đã viết: ”Dòng giống một đại tộc huyện Quỳnh Lưu ở Nghệ An. Vì kinh tế, cha lưu lạc ở Thăng Long, nàng tự học thành tài về thơ từ và sống một đời tự do độc lập ngoài ràng buộc của Nho phong. Tình cảm nhiều, nàng có ái tình nhạy bén, thành thực với những kẻ văn nhân, lại không e dè lấy văn chương bộc lộ ái tình, cho nên đối với băng nhân không khỏi bị phê bình lơ lẳng. Vì chọn tài, nên nhân duyên chậm trễ. Các văn nhân cao cấp bạn nàng thì đều có vợ rồi. Cuộc dan díu nhất thời chỉ làm đau lòng nàng khi đoạn tuyệt. Cuối cùng, khi gần 50 tuổi mới có dịp làm bà quan lớn, tuy là tiểu thiếp, ở trấn Hải Đông. Nhưng không may, chưa được bao lâu chồng đã bị khép vào tử tội…”.

Là một nhà thơ nữ tài năng, nhưng vì cảnh ngộ éo le, lại ở vào một thời mà xã hội nhiều nhiễu nhương biến động. Có thể ngoài thơ Nôm, bà còn có nhiều bài thơ thuộc dòng bác học. Bởi cho đến nay chưa tìm thấy ngày sinh ngày mất, nhiều bài thơ có khẩu khí giống bà còn là dấu hỏi, nên sự nghiệp văn thơ của bà còn chờ vào công lao của các nhà nghiên cứu. Nhưng với số lượng những bài thơ Nôm được tồn tại trong dân gian thì bà quả là ”Bà chúa thơ Nôm sống mãi trong dân gian Việt Nam”.

Nguồn: quehuongonline.vn