LÝ THƯỜNG KIỆT: DÒNG DÕI DANH THẦN, TUỔI TRẺ CHÍ CAO

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Có những con người ứng thiên mệnh sinh ra để sáng tạo nên lịch sử. Lý Thường Kiệt chính là một trong hai người như thế. Dù Đại Việt có vô số danh tướng vua quan hào kiệt, nhưng những gì Lý Thường Kiệt đã làm cho dân tộc này là mở ra một thời đại độc lập vững chắc làm tiền đề cho nghìn năm độc lập tiếp theo. Không có chiến công của ông cùng vô số anh linh tướng sĩ tử thủ Như Nguyệt giang, ắt hẳn sẽ không có một Đại Việt đủ sức quật ngã Nguyên Mông, sẽ không có một Đại Việt có đủ sức mạnh trải dài xuống phương Nam thành kế rễ sâu gốc vững, hoàn toàn làm chủ mảnh đất xinh đẹp này.

Nhất chiến định thiên hạ, định luôn cả cục diện hòa bình vững mạnh trăm năm sau đó, Lý Thường Kiệt quả xứng là đệ nhất thần tướng nghìn năm có một của dân tộc Việt Nam ta.

Vị tướng quân với huyền thoại Nam quốc sơn hà lừng danh này và tài cầm quân cùng đức độ trị dân phò vua của ông nghìn năm qua vẫn luôn là tấm gương sáng nhất cho hậu nhân noi theo.

Lý Thường Kiệt (chữ Hán: 李常傑 1019 – 1105) làm quan trải ba đời Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông. Ông sinh ra ở Thăng Long, người phường Thái Hòa. Lý Thường Kiệt là lấy theo quốc tính họ vua sau khi ông lập công và được phong chức Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua). Còn họ tên thật của ông đến nay vẫn có hai giả thuyết khác nhau nhưng có lẽ thuyết họ Ngô là khả tín hơn vì thấy có ghi tương tự trong các sử liệu khác nhau.

Tên thật của ông theo thuyết này được là Ngô Tuấn (吳俊), biểu tự Thường Kiệt (常傑), sau được ban quốc tính nên có tên là Lý Thường Kiệt. Thuyết này dựa trên bia Nhữ Bá Sĩ thời Nguyễn, có lẽ soạn dựa vào các thần phổ đời xưa.Ông là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Sứ quân Ngô Xương Xí và chắt của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập – con trai trưởng của Ngô Quyền. Trong Việt điện u linh tập cũng chép tên của cha ông là An Ngữ.

“Ông họ Lý tên Thường Kiệt người phường Thái Hòa bên hữu kinh Thăng Long; thân phụ tên là An Ngữ, làm quan đến Sùng Ban Lang Tướng, đời này qua đời kia được tập ấm. Ông nhiều mưu lược, có tài tướng soái, lúc nhỏ phong tư tuấn nhã, có tiếng khen ra ngoài, được sung làm chức Hoàng Môn Ký Hầu. Đời Lý Thái Tông hằng thiên lên chức Nội Thị Tỉnh Đô Tri. Thánh Tông bái chức Hiệu Uý Thái Bảo.” (trích Việt Điện U linh tập Lý Tế Xuyên).

Như vậy ta có thể thấy Lý Thường Kiệt vốn là dòng dõi tôn quý, là con cháu tập ấm của một gia đình tướng lĩnh nhiều đời. Không may là cha mất sớm khi ông mới 13 tuổi, tuy vậy ông vẫn được gia đình đào tạo và cho học hành bài bản để có thể kiến công lập nghiệp sau này.

Thời nhà Lý mới lập quốc, Nho giáo chưa thịnh nên con đường tiến thân nhanh nhất vẫn là cầm quân đánh giặc. Vì thế Lý Thường Kiệt từ bé đã lập chí lớn, muốn trở thành một danh tướng có sự nghiệp lừng lẫy.

“Khoảng niên hiệu Thiên thành, đời Lý Thái Tông, cha đi tuần biên địa, ở Tượng châu, thuộc Thanh Hóa, bị bệnh rồi mất vào năm Tân mùi (1031). Thường Kiệt bấy giờ mười ba tuổi, đêm ngày thương khóc không dứt. Chồng cô, là Tạ Đức thấy thế, đem lòng thương và dỗ dành. Nhân đó hỏi ông về chí hướng. Ông trả lời: ” Về văn học, biết chữ để ký tên là đủ. Về vũ học, muốn theo Vệ Thanh, Hoắc Khứ, lo đi xa vạn dặm để lập công, lấy được ấn phong hầu, để làm vẻ vang cho cha mẹ. Đó là sở nguyện”. Tạ Đức khen là có chí khí, bèn gả cháu gái tên là Thuần Khanh cho ông, và dạy cho học các sách binh thư họ Tôn, họ Ngô.

Thường Kiệt đêm ngày học tập. Đêm đọc sách, ngày tập bắn cung, cưỡi ngựa, lập doanh, bày trận. Các phép binh thư đều thông hiểu cả. Tạ Đức lại khuyên đọc sách nho. Thường Kiệt rất chịu gắng công học tập, nên chóng thành tài.” (Lý Thường Kiệt lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý Hoàng Xuân Hãn)

Lạm bàn: Thời thịnh của võ tướng, lấy quân công tiến thân mà Lý Thường Kiệt vẫn cần mẫn đọc sách Nho cùng với binh thư đồ trận quả là việc hiếm thấy. Điều này hứa hẹn một tương lai xuất chúng, siêu việt tất cả bá quan của ông vậy. Mấy chục năm xuất tướng nhập tướng tài kiêm văn võ của ông đã chứng minh sự vượt trội của nền giáo dục mà ông được nhận từ nhỏ.

Nguồn: epochtimesviet.com