Bức tranh trên đá


Na cùng đoàn cán bộ của ban giáo dục về công tác tại trường phổ thông cơ sở xã Lâm Ngọc, sau giờ dự giảng lớp tám chọn của cô Thu, các em học sinh ùa ra sân trường ríu rít. Chúng tụ nhau thành các tốp chơi các trò chơi cổ truyền. Tốp nhảy dây, tốp đánh ô ăn quan, tốp chơi xà đơn, xà kép… Sân trường náo nức, tươi trẻ. Cảm xúc trong lòng Na dâng trào, vui sướng.

Chợt Na nhìn vào trong lớp, thấy một em học sinh gái chừng mười ba mười bốn tuổi đang ngồi hý hoáy vẽ ở góc cái bàn phía cuối lớp. Na lặng lẽ đến gần, giọng cô ngọt ngào:

Giờ nghỉ sao em không ra sân chơi với các bạn? bé gái giật mình, vội vàng đúc tờ giấy vào sâu trong ngăn bàn, giọng ỏn ẻn:

Dạ thưa cô!…

Na ân cần ngồi xuống cạnh bé, cô nhẹ tay lôi tờ giấy em vừa đúc vào ngăn bàn, cô giật mình khi nhìn thấy bức tranh bé đang vẽ giở (Một cái võng mắc ngang giữa hai gốc cây dưới cánh rừng đại ngàn…). Cô nghẹn ngào vỗ lên vai bé giọng ân cần: – Bức phác thảo của em muốn gợi lại hình ảnh anh bộ đội ở trường sơn… Cảm động lắn, nhưng em còn bé, phải giành thời gian để học bài đã!…

Dạ thưa cô!… Con bé vẫn ỏn ẻn. Na lại ân cần:

– Em tên gì?

– Dạ em là Lê thuỷ Tiên ạ! Na giật mình và một kỷ niệm trong cô bừng sáng.

Ngày ấy lâu rồi mà như vừa mới hôm qua, ở cái trạm giao liên giữa rừng Trường Sơn, hôm ấy Na cùng với anh Hậu đi kiếm măng rừng, hai nguời vừa tụt xuống bờ suối thì đụng phải toán biệt kích. Bọn chúng có năm thằng, chúng đang ngồi chụm đầu chỗ mom đất nhôi lên giữa con suối, có lẽ chúng đang tìm phương hướng để lọt vào vùng giải phóng. Anh Hậu né vào gốc cây si và ra hiệu cho Na lùi lại yểm trợ phía sau. Anh dùng hết sức tung quả lựu đạn vào giữa toán biệt kích, quả lựu đạn nổ tung, cả năm tên biệt kích ngã vật ra suối, nhanh như tia chớp Na điểm xạ và cùng anh Hậu giàn thế trận xông đến, đám biệt kích không còn thằng nào sống sót. Hai người lặng lẽ thu những chiến lợi phẩm và lách theo dòng suối về hậu cứ. Nước suối trong xanh ngập vào tâm hồn hai người những khát vọng sống bình dị. Họ lặng lẽ dắt tay nhau xuống suối tắm, nước suối ngập kín và cứ thế dìu cả hai người trôi theo dòng nước. Nước tràn khắp tâm hồn họ và những âm thanh muôn đời ấy không bao giờ phai nhoà được. Giữa tiếng suối rì rầm ấy, giọng anh Hậu mát dịu:

– Ngày mai khi không còn chiến tranh, anh về làm hoạ sĩ, em đi làm cô giáo, chúng mình sẽ đẻ đứa con gái đầu lòng thật xinh đẹp, đẹp như những nhũ đá cô tiên ở bờ con suối này và ta sẽ đặt cho nó cái tên là Lê Thuỷ Tiên Na nhé!…

– Võ…õng!

Giọng nói nhỏ nhẹ, hơi thở dồn, lồng ngực căng cứng, Na choàng hai tay lờn vai Hậu. Bàn tay quen cầm súng của tràng trai vũng qua eo thiếu nữ, nước trong mắt mơn man những đường cong. Trên đầu họ chỉ cú bay, chim hút và tiếng suối rỡ rầm.

*
Chiến tranh làm cho con người phải cách xa đôi ngả! Bây giờ anh Hậu đang ở đâu? Đời người những kỷ niêm day dứt khuôn nguôi. Na lặng người cố dập tắt cái ý nghĩ vừa chợt đến nhưng từ đôi mắt của Thuỷ Tiên lại cứ ánh lên hình ảnh anh Hậu với gương mặt hiền từ, trong sáng luôn chất chứa những khát vọng tươi sáng giản dị. Giọng Na dịu dàng hơn:

– Nhà Thuỷ Tiên ở đâu?

– Dạ, trên Lộc Thượng ạ.

– Thuỷ Tiên có mấy anh chị em?

– Dạ thưa cô…Em chỉ có một mình thôi ạ!

– Bố mẹ Thuỷ Tiên làm gì?

– Dạ thưa cô, mẹ em làm ruộng ạ, bố em chết lúc em mới lên hai tuổi ạ! Mẹ em bảo thế! Trong khoé mắt Thuỷ Tiên tự rơi ra những giọt nước long lanh. Nhìn Thuỷ Tiên, nhìn bức tranh bé đang vẽ dở lòng Na tự nhiên cồn cào day dứt! Tiếng trống trường lại vang lên, gọi học sinh vào giờ cuối.

Tan học Na gặp cô Thu giáo viên chủ nhiêm của Thuỷ Tiên hỏi han tình hình học tập và gia cảnh của em. Cô Thu bảo:

– Thuỷ Tiên là một học sinh giỏi của lớp nhất là môn văn, bài tập làm văn nào Thuỷ Tiên cũng đặt điểm chín, điểm mười. Nhưng con bé cũng rất kỳ và hoàn cảnh gia đình em cũng kỳ lắm nhưng em cũng mới về trường chỉ biết sơ sơ: Thuỷ Tiên mồ côi bố từ bé. Anh ấy đang học ở trường mỹ thuật thì tình nguyện đi bộ đội, khi phục viên về quê lấy vợ vừa làm ruộng vừa vẽ. Năm 1984 thì bị chết đột ngột vì bệnh sốt rét tái phát. Bây giờ mẹ của Thuỷ Tiên vẫn ở vậy lặn lội nuôi con! Cô Thu thở dài!Tiếng thở dài của cô càng làm trĩu nặng tâm lòng Na và có gì như thúc giục, kêu gọi Na phải đến thăm nhà Thuỷ Tiên.

Buổi chiều mùa thu, nắng màu vỏ bưởi vàng rực, gió sông Lô dặt dìu thổi lộng những bờ tre. Na ngược bờ đê lên làng Lộc Thượng, một bà cụ già bảo:

– Cô đi rẽ đường này, vào Khe Cút, chỉ có một đường thôi. Đến chỗ quả đồi xanh, mẹ con nó ở đấy.

– Cảm ơn cụ. Na cúi đầu đi, đến chỗ quả đồi xanh, Na ngẩng mặt lên. Đúng là cái Khe Cút thật. Quả đồi có hình cái cút, ngọn quả đồi giống hệt miệng cái cút nằm dốc ngược đổ xuống con suối nhỏ chảy ra cầu Thông. Đuôi quả đồi như đáy cái cút, cây rừng phủ kín, ngát xanh bắt vào với vòm trời tít tắp. Một ngôi nhà như cái tổ chim bám ở ven rừng, nhà lợp bằng lá cọ nên nhìn rất ấm mắt.

Thuỷ Tiên đang ngồi vo gạo thổi cơm chiều. Thấy cô giáo nó vội vàng đứng dậy:

– Em chào cô ạ. Người đàn bà đang dọn dẹp ngoài chuồng lợn, thấy có khách chị vội chạy vào. Hai bàn tay chị còn lấm láp phân tro. Chị vội thọc tay vào chậu nước vừa rửa vừa mời khách vào nhà. Giọng chị hể hả:

– Trưa nay Thuỷ Tiên đi học về, cháu nó khoe có cô giáo đến nhà. Thế là chiều nay tôi nghỉ việc đồng, đợi mãi mà chả thấy cô đến, chân tay ngứa ngáy lại ra dọn cái chuồng lợn, người nhà nông mà cô. Bây giờ cô đến là phải ở lại. Nhốt sẵn con gà mái ghẹ đấy rồi, chị lại cười ha hả. Thấy chị xởi lởi, Na tự nhiên hơn.

– Năm nay chị đến năm mươi chưa?

– Ngoài rồi. Anh nhà tôi còn năm nay lão ấy bốn chín. Các cụ bảo gái hơn hai, trai hơn một là tốt, nhưng có tốt đâu, số kiếp biết thế nào. Phận tôi trời cho thế, trời lại lấy đi thế. Chị thở dài: Tôi nói vậy là thế này cô ạ! Lão nhà tôi nó học cao. Đang học thì đi bộ đội, ngày loạn thằng Mỹ, năm bảy mốt, bảy hai thì phải. Lão ấy bị thương nhưng không cụt chân, gãy tay gì cả, chỉ bị loà nhẹ một bên mắt do sức ép và khói bom. Ông anh trai vừa mới báo tử năm trước thì năm sau lão ấy lù lù về. Bà cụ như bắt được kho báu. Ngày ấy, bà cứ ôm lão vào lòng như mới vừa đẻ lão xong. Lão ấy định đi học tiếp cái trường đại học gì mà chỉ vẽ tranh, đắp tượng nhưng bà cụ không cho đi. Cụ bảo:

– Ở nhà không phải làm gì, thích vẽ bầm khắc mua giấy, mua mực cho, cốt là lấy vợ, đẻ cho bầm đứa cháu. Đời bầm côi cút mãi rồi. Bố mày hi sinh trên Điện Biên, anh mày báo tử sau Tết Mậu Thân, bầm chỉ cũng có mình mày!…

Thương mẹ, lão ấy đành ở nhà. Ngày đi theo điểm hợp tác, đêm về chong đèn vẽ. Nhà bày đầy những rễ cây, gốc cây uốn nắm giống hình núi non, chim thú. Bao nhiêu con gái đẹp xán đến. Trai thời loạn, gái thời bình mà. Ai cũng muốn chiếm được lão, nhưng lão ấy chẳng mặn mà, đằm thắm với ai. Chỉ loay hoay với những hình dáng trên cái gốc, cái rễ mà lão ấy tự tìm ở rừng về. Làng bảo lão dở người, thời gian lại ầm lên tin đồn là lão ấy bị nhiễm chất độc chiến tranh, không sinh con đẻ cái được, và nếu có cũng chỉ để ra quái thai. Những cô gái đẹp trong làng lảng dần mặc dù rất tiếc lão. Nói vậy không phải tôi là cô gái xấu xí nhưng vì mình không có chữ, nhà nghèo, có được một ngày nào đến trường nên chả dám bén mảng đến chỗ cao sang. Thời ấy, tôi ở trong đội chuyên canh của hợp tác xã, ngày hai buổi đi gánh đất, đắp đê, đào mương máng. Một buổi chiều tôi vừa đi làm về, bố tôi gọi vào bàn uống nước và bảo:

– Bên bà cụ Nhẫn sang đặt miếng trầu xin mày cho anh Hậu! Có đồng ý không?

Tự nhiên mặt tôi đỏ bừng, tôi không trả lời ông cụ mà lẳng lặng xuống bếp gời lửa nấu cơm.

– Anh Hậu! Na ngỡ ngàng thầm cười.

Giọng chị vẫn hối hả:

– Vâng! Lê Trung Hậu tên lão nhà tôi thế.

– Vâng! Chị kể tiếp đi.

Sau đấy một tháng thì cưới. Ngày đầu tiên về nhà chồng. Khỉ gió. Đêm hôm ấy lão làm tôi xấu hổ ghê, suốt đêm chẳng ai ngủ được, dần dần hai đứa bện nhau như chạc. Mấy tháng sau tôi thấy thèm chua, ươn cổ, sợ cơm cứ như người vờ ốm. Bà cụ bảo: “Mẹ mày có mang rồi. Đi làm đồng đừng gánh gồng quá sức”. Bà cụ mừng lắm. Lão ấy cũng mừng, tôi cũng mừng. Cả nhà hồi hộp, đợi chờ. Chín tháng sau, tôi đẻ. Cháu sinh ra là con trai nhưng khổ một nỗi mặt mày nó lại vẹo vọ, nửa người, nửa khỉ. Niềm vui thành nỗi lo âu. Bà cụ lại bảo tôi: ” Dù sao cũng là dòng dõi nhà mình, ông trời bắt phải thế, đừng thịa nó.” Vợ chồng tôi gắng sức giữ gìn, chăm lo cháu. Thằng bé lớn lờn cũng nhanh nhẹn, khôn ngoan, chỉ tội cỏi mặt!.. Đến tuổi đi học, bạn bè nó cứ giễu: Hậu Tiều! Nó xấu hổ tủi thân rồi bỏ học, dỗ thế nào cũng không nghe. Bà cụ nghĩ ngợi, cộng với tuổi già rồi mất. Thương mẹ, trông con, vợ chồng tôi càng buồn. Một hôm, tôi đi làm đồng về, lão ấy nhìn tôi rồi cất giọng rưng rưng:

– Dỡ nhà vào Khe Cút ở!

– Tôi hỏi: Sao phải thế? Lão ấy thở dài:

– Ở đây bọn trẻ đi học qua cứ kêu: Hậu Tiều; khổ tâm tôi lắm! Vào đấy làm lụng mẹ mày vất vả hơn nhưng yên tĩnh, tôi sẽ tự dạy con học. Nghe lão ấy nói phải, tôi đồng ý. Ngày mới vào đây sinh cơ lập nghiệp, trăm cái cực đổ lên đầu. Vợ chồng lầm lụi, ngày nắng, đêm mưa. Được cái tính lão ấy bền bỉ. Mỗi khi khó nhọc lão ấy thường bảo tôi: Thế này chả thấm gì. Ngày ở bộ đội còn khổ bằng mấy. Mẹ mày cứ rảnh đi làm việc đồng lấy hạt lúa. Còn cu Khỉ, việc nhà mặc tôi. Hai bố con như tơ với nhện, chả lúc nào rời nhau. Bố làm gì, con cũng bắt chước làm theo. Nhiều lúc đi làm đồng về mệt nhọc, thấy bố con ríu rít, tôi cũng nguôi. Cứ ngỡ mái lá, cây rừng sẽ phủ kín dần nỗi lo âu, tủi phận của cả nhà. Ai ngờ, một buổi chiều tôi đi gặt về, lão nhà tôi ôm cu Khỉ cứ khóc tu tu. Áo quần bố con còn lấm đất, lấm bùn. Đang đào đá đắp tượng thì tự nhiên da dẻ cháu cứ tái nhợt, vợ chồng tôi ôm cháu vào trong nhà, nó cứ lặng dần đi, rồi mụn nhọt từ đâu cứ đùn ra khắp người, được vài hôm thì cháu đi!… Vợ chồng lầm lũi ghép cái áo gỗ để cháu nghỉ ngoài bờ khe, chỗ gần miệng cái cút chảy ra cầu Thông ấy. Người Lộc Thượng ai biết thì đến thắp một nén hương! kiếp cháu, trời không cho sống làm người!…

Vợ chồng tôi cứ ngơ ngác, ủ rũ mãi, nhiều hôm cơm nấu bỏ thiu. Chiều chiều tôi lại ra ôm nấm đất khóc. Sức vóc tôi xọp xuống nom thấy. Lão ấy bảo: Khóc mãi, tôi buồn đi theo nó, bà ở một mình. Thương lão, tôi nén lòng, lấy việc đồng áng cho khuây. Ngày tôi đi làm, lão ở nhà lợn gà cơm nước, hết việc lại vẽ tranh, lại vào rừng lấy gốc cây, rễ cây về đặt thành hình núi non, chim thú. Suốt ngày, suốt năm cứ lầm lũi thế. à! ở ngoài cầu nước, chỗ khe suối, trên vách đá lão ấy đục được một cái hình giống người lắm. Cô giáo ra mà xem. Vừa nói, chị vừa lôi tay Na đứng dậy. Na bước theo, ra đến cầu nước, Na thấy khắp lòng mình sóng sánh. Cô không tin vào mắt mình nữa nhưng cảnh tiên thì cứ hiển hiện. Một vệt xanh dài toàn là bạch đàn và cây keo uốn éo theo khe nước chạy tít lên cao, nước khe rì rào, róc rách trôi về. Đến chỗ cầu nước vướng cái vách đá, chắc do nhiều năm mưa lũ, ngọn nước vặn lại tìm đường ra sông, ra suối, nên ở chỗ chân vách đá tạo hình một cái chảo to, sâu hút, nước xanh thấy đáy. Vách đá rêu phong hiện ra hình một cô gái mặt tròn như ông trăng, đôi mắt dịu hiền, nhân ái, tóc tết đuôi sam bám vào các vệt rêu xanh trên đá buông xuống chảo nước, trên tay ôm một chiếc cặp. Từ cầu nước ngẩng mặt lên, tự hình dung như thấy cô ở trong căn nhà bước ra.

Na bồi hồi, những kỷ niệm quá khứ như từ cái chảo nước kia đang dâng đầy lên. Na đứng lặng, ngây người nhìn bức tranh in trên vách đá. Chị lại kể:

– Cô giáo ạ. Chỗ này chỉ có cái chảo nước là có sẵn, còn cái cầu là lão ấy tự khuân đá từ trên rừng về xếp đặt để tôi đi làm về ra tắm. Cái hình trên vách đá kia lão ấy cọc cạch hàng năm mới được. Lúc làm xong, lão ấy bảo tôi:

– Đi tắm, cứ ngồi ở cầu nước, nhìn cái người bằng đá kia. Thế nào cũng đẻ ra tiên.

Tôi bảo: – Phét.

Lão cười: -Thật! Rồi lão bế tôi lên, chạy tròn quanh cái chảo rồi thả mình xuống nước, cứ đủn tôi quanh bờ như đủn đứa trẻ tập bơi. Nước tràn cả vào hai người, kéo cả trăng sao đầy xuống. Tôi thấy khắp người mình lâng lâng, vừa mơ hồ, vừa thực tại… Lão ấy lại bảo:

– Đêm nay ngủ đây, không vào nhà nữa!

Tôi bảo:

– Khiếp! Lão ấy té nước đầy mặt tôi rồi cười khúc khích!…

Sau lần ấy, tôi lại thấy ươn cổ, ghê cơm, thèm chanh, thèm khế. Niềm vui trộn trong phấp phỏng nỗi lo âu, tôi sợ… Lão lại bảo:

– Được rồi, thế nào cũng đẻ ra nàng tiên nhưng chiều chiều phải ra nhìn cái người ở trên đá kia. Tôi chả hiểu gì nhưng một mực làm theo ý lão. Qua những ngày vừa hi vọng, vừa sợ hãi. Sau cơn đau bụng, nghe tiếng cháu khóc oe oe, tôi choàng dậy, lòng rực rỡ như lúc mặt trời lên khi thấy cháu tròn trịa, xinh tươi. Lão ấy cứ thế reo toáng lên: Thuỷ Tiên, Lê Thuỷ Tiên của bố! Và ôm cháu chạy vòng quanh nhà!…

– Có con, sự trống trải trong ngôi nhà bên khe nước này vợi dần đi. Vợ chồng làm lụng cần mẫn. Đêm về, lão vẫn chong đèn vẽ tranh treo đầy vách nhà, niềm sung sướng, hạnh phúc cứ mỗi ngày một đầy lên. Ai ngờ. Cái số tôi trời chỉ cho thế. Năm cháu lên hai tuổi tự nhiên lão nhà tôi lâm bệnh, da dẻ mỗi ngày cứ tái nhợt môi tím dại. Đưa đến các nhà thương họ đều lắc đầu. Tôi nhớ sau bữa cơm chiều hôm ấy, tự nhiên người lão cứ run bần bật. Biết không ở được với mẹ con. Lão ân cần bảo: “Trời bắt mình phải vậy, đừng buồn. Gắng sức nuôi dạy Thuỷ Tiên đi học. Sau này có chữ nghĩa, cái người trên vách đá, ngoài cầu nước nhà mình sẽ giúp con hiểu tôi hơn tất cả”. Lão nhìn tôi, mắt cứ dại dần rồi tắt thở! Lúc ấy lòng tôi tối ập, tưởng như không còn đất, còn trời!…

Từ ấy, hai mẹ con lại côi cút ở bên khe nước này. Được cái cháu tươi tắn, hồn nhiên. Càng lớn, lại càng có nét giống cái người đá ở ngoài cầu nước. Cháu ra trường học, các cô giáo bảo cháu học giỏi nhất lớp, lòng tôi cũng nguôi vợi đi nhiều. Vì cháu, tâm sức tôi dồn hết vào việc làm ăn. Ở quê, cái khó nhọc, túng thiếu còn giăng dữ đời người. Có hai mẹ con, làm quần quật cả năm mà bữa ăn vẫn phải độn ngô với sắn. Năm ngoái, nhờ cái lộc của bố cháu, những cây bạch đàn bố cháu trồng ở bên khe nước lớn to, nhà máy giấy thu mua, bán được ít tiền. Lại một hôm có đoàn cán bộ ở trên tỉnh về công tác tại xã. Nghe người Lộc Thượng phao: – Có cái khe Tiên, khe Tiên là tự làng Lộc Thượng đặt ra từ khi tôi đẻ cháu. Các ông ấy vào đây, thi nhau chụp ảnh cái người trên vách đá, rồi vào nhà chơi. Có một ông gầy, người xương xương, cằm trên, cằm dưới toàn là râu, cứ lặng nhìn những bức tranh treo trên vách rồi đột ngột hỏi tôi:

– Anh nhà tên là Hậu?

– Dạ phải. Ông ấy lại hỏi:

– Lê Trung Hậu à?

– Thưa phải.

– Giờ anh nhà ở đâu?

– Dạ, nhà cháu mất, sang cát lâu rồi ạ!

Tự nhiên ông ấy ôm mặt khóc! Mọi người ngơ ngác, ông ấy bảo: ” Bạn cùng Yết Kiêu với nhau”. Thế là ông ấy thu tất cả những bức tranh lại, cho vào cặp rồi mở túi ra lấy một gói tiền đưa cho tôi, giọng ông bùi ngùi.”Tôi mua cả những bức tranh này”.

Tôi bằng lòng. Khổ, nhà quê cô giáo ạ. Tranh pháo để mãi cũng chẳng làm gì, thấy được tiền, tôi bán. Ai ngờ đến trưa đi học về, Thuỷ Tiên cứ lăn ra khóc, bỏ cả cơm. Tôi phải nịnh mãi nó mới nín. Chị thở dài.

Na giật mình, cô tự hiểu tại sao giờ ra chơi buổi sáng nay con bé cứ ngồi lúi húi một mình với bức phác thảo về anh bộ đội mắc võng ngủ ở cánh rừng!… Lòng Na bẫng lẫng như ma rủ, quỷ xui. Cô kêu lên: Lê Trung Hậu…! Chị ơi. Em vô cùng biết ơn chị! Đời người hư, thực cứ như truyện cổ tích ấy. Từ lúc chị đưa em ra cầu nước, thấy bức tranh trên vách đá. Linh cảm, em đã gặp lại một thời con gái!… Ngày chiến tranh đánh Mỹ, em là cô giao liên Trường Sơn chỉ làm nhiệm vụ đưa quân vào, đón quân ra. Một kỷ niệm cứ theo em suốt cuộc đời, nó ám ảnh, cháy sáng, nhiều lúc muốn dập đi mà không được. Ngày ấy, mùa mưa đang tràn trắng những cánh rừng. Em đi tìm nấm đất, đến đám cây xui um tùm, bỗng nghe thấy tiếng người rên hừ hự. Em rón rén vạch lá rừng, thấy cái võng đang rung lên bần bật. Biết là anh bộ đội mình bị sốt rét không đi kịp đoàn quân, em dìu anh ấy về trạm, còn ít viên ký ninh, đổ cho anh uống, nấu cháo cho anh húp. Vài ngày sau anh khỏi. Mấy đứa cùng trạm giao liên cứ khúc khích cười: Cái Na bắt được kho báu, không chia phần là tụi tao phá. Anh chỉ cười rồi tự hoà nhập vào cuộc sống của chúng em ân tình, thắm thiết. Hàng ngày anh cứ hì hục đập đá, đào rễ cây xếp lên hình con cò, con vạc đơn sơ và thơ mộng. Tụi em thích lắm. Na chỉ kể có thế, còn tất cả những chuyện về sau và tình cảm với anh Hậu đều lặng lẽ, giấu. Ngày ấy chia tay nhau, Hậu vào sâu trong mặt trận. Nửa tháng sau địch càn ra, Na bị thương nặng phải mổ nhiều vết trên ngực, cộng với sốt rét rừng già, không còn khả năng sinh đẻ nữa. Ngay hòa bình, nhiều đêm quạnh quẽ, Na muốn đi tìm anh, nhưng lại sợ sống với mình Hậu không có hạnh phúc, nên đành lại nén lòng.

Bao nhiêu năm rồi Na không ngờ gặp lại vợ con anh trong hoàn cảnh này. Thủy Tiên – con gái của anh ấy bằng xương, bằng thịt đang hiện hữu trước mặt Na, dẫu sao mơ ước của anh ấy cũng thành hiện thực. Na lặng người, cô nghĩ đến mình, nghĩ đến người thiếu phụ nhà quê cũng có những sợi dây tình cảm riêng nối đến và quện chặt với một người lính bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc! Có một sự đồng cảm bất chợt hoặc tủi phận nào đó cùng đến, người đàn bà thôn quê òa khóc, Na cũng khóc, Thủy Tiên cũng khóc theo. Na lặng lẽ mở khóa cái túi nhựa, lấy ra một gói nhỏ, bọc trong chiếc khăn mùi xoa. Giọng Na nghẹn ngào:

– Đây là đôi mấm, ngày xưa chúng em quen nhau, anh ấy bảo. Của bầm cho. Chị giữ lấy, sau này cho Thủy Tiên… Bấy nhiêu năm, em day dứt, băn khoăn mãi, bây giờ có Thủy Tiên thật đây rồi, phải giành cho nó chị ạ!

– Giời đất! Thế thì mẹ con tôi phải cảm ơn cô giáo!…

– Không! Nhờ chị mới có tất cả. Bức tranh trên vách đá kia sẽ là kho báu để sau này lớn lên Thủy Tiên nghiên cứu tìm hiểu và trả lời tất cả các mối quan hệ của chúng ta.

Hai người phụ nữ mới quen nhau lần đầu cùng cúi đầu thắp lên bàn thờ một nén nhang. Họ cầu chúc cho vong hồn người lính ở nơi chín suối luôn được mát mẻ và thanh thản!…

Nguồn: Trịnh Thanh Phong